HUYỆN KRÔNG BÔNG
I. ĐỊA GIỚI VÀ BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Krông Bông là một huyện vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 50 km. Phía Tây giáp huyện Lắk, Phía Tây Bắc giáp huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana. Phía Bắc giáp huyện Krông Pác, huyện Ea Kar. Phía Đông giáp huyện M'Drăk, huyện Vĩnh Khánh (Khánh Hòa). Phía Nam giáp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
* Các đơn vị hành chính:
Huyện Krông Bông bao gồm 1 thị trấn, 13 xã:
1. Thị trấn Krông Kmar.
2. Xã Hòa Sơn.
3. Xã Hòa Lễ.
4. Xã Hòa Phong.
5. Xã Hòa Thành.
6. Xã Hòa Tân.
7. Xã Dang Kang.
8. Xã Yang Reh.
9. Xã Yang Mao.
10. Xã Cư Đrăm.
11. Xã Khuê Ngọc Điền.
12. Xã Ea Trul.
13. Xã Cư Kty.
14. Xã Cư Pui.
Diện tích tự nhiên là: 1.257,49 km2.
Dân số là: 90.207 người.
Mật độ dân số là: 71,13 người/km2.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Tên gọi Krông Bông xuất phát từ tên con sông chính chảy qua địa phận của huyện. Sông này cùng với sông Krông Pắc gặp nhau giữa địa phận xã Hòa Lễ và Cư Kty, chảy vào sông Krông Ana, là thượng nguồn của sông Sê-rê-pốc đổ vào sông Mê Kông.
Huyện thành lập từ ngày 19 tháng 9 năm 1981, trên cơ sở chia tách 10 xã phía Nam của huyện Krông Pắc. Trong những năm tháng chiến tranh, đây là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đăk Lăk, với địa danh nổi tiếng H9, Hang đá Đắk Tur ...
Krông Bông có điểm du lịch nổi tiếng là thác Krông Kmar. Nơi đây có dòng suối nước trong vắt, chảy quanh co qua những ghềnh đá rất đẹp, hai bên là núi non hùng vĩ; kéo dài từ đỉnh thác - nơi tiếp giáp với huyện Lăk, thuộc đỉnh núi Chư Yang Sin đến thị trấn Krông Kmar. Trước năm 2005, vào những dịp lễ, tết..., hàng ngàn người du lịch đã đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.
Ngày 19 tháng 9 năm 2011 huyện Krông Bông tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập trong dịp này Huyện làm lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ Huyện.
III. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Huyện Krông Bông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 55 km về phía Tây - Bắc, ranh giới hành chính của huyện như sau:
- Phía Bắc giáp 3 huyện Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrăk.
- Phía Nam giáp huyện Lăk.
- Phía Đông Nam giáp vùng núi hiểm trở ngăn cách giữa tỉnh Đắk Lắk với 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Tổng diện tích tự nhiên (DTTN) toàn huyện là 1.257,49 km2 chiếm 6,38% DTTN toàn tỉnh, tổng dân số 90.207 người (năm 2011). Mật độ dân số là: 71,13 người/km2 (Theo số liệu thống kê 31/12/2011).
Toàn huyện có 1 thị trấn và 13 xã gồm: Thị trấn Krông Kmar, các xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Cư Kty, Hòa Thành, Dang Kang, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao.
Huyện có quốc lộ 27 đi qua, là trục giao thông huyết mạch của tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng; có tỉnh lộ 12 chạy từ Thị trấn Krông Kmar đi các xã phía Đông; tỉnh lộ 9 nối huyện với các huyện Ea Kar, Krông Pắc… tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội với các địa phương trong khu vực.
2. Địa hình, địa mạo
Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột với Trường Sơn Nam nên địa hình của huyện bị chia cắt rất mạnh, thấp dần theo hướng Đông - Nam xuống Tây - Bắc, về đại thể có thể chia địa hình huyện thành 3 địa hình chính: núi cao, núi thấp và thung lũng.
Dạng địa hình núi cao: Diện tích 80.102 ha, chiếm 63,70% DTTN toàn huyện, tập trung thành vòng cung lớn bao quanh 3 phía Bắc, Đông, Nam; mức độ chia cắt mạnh: độ cao trung bình từ 1.500 - 2.500m, độ dốc phổ biến trên 2500, bao gồm một số dãy núi cao như Cư Yang Sin (độ cao 2.442m), đỉnh Cư Yang Hanh (độ cao 1.991m), đỉnh Cư Bukso (độ cao 1.538m). Nhìn chung, dạng địa hình này không thích hợp cho phát triển nông nghiệp, hiện trạng chủ yếu là rừng tự nhiên.
Dạng địa hình núi thấp: Diện tích 23.968 ha, chiếm 19,06% DTTN toàn huyện, phân bố ở khu vực phía Bắc - Đông Bắc huyện và trải dài từ Đông sang Tây; độ cao trung bình từ 500m - 1.000m, bao gồm một số đỉnh núi như đỉnh Cư Goa (độ cao 953m), đỉnh Cư Drang (độ cao 698m), đỉnh Cư Ya Trang (độ cao 982m), độ dốc phổ biến từ 1500- 2500. Nhìn chung, dạng địa hình này thích hợp cho phát triển nông nghiệp, hiện trạng chủ yếu là rừng tự nhiên.
Dạng địa hình thung lũng ven sông: Diện tích 21.679 ha, chiếm khoảng 17,24% DTTN toàn huyện, phân bố ven các sông lớn như sông Krông ANa, sông Krông Bông, Krông Pắc; địa hình tương đối bằng, độ cao trung bình dưới 500m, độ dốc biển dưới 800. Do hạ lưu các con sông hẹp nên nhiều khu vực bị ngập nước sau các trận mưa lớn, nhưng sau đó nước rút nhanh; thổ nhưỡng chủ yếu là phù sa và đất xám, khá thích hợp với canh tác lúa và các cây công nghiệp ngắn ngày.
3. Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng do vừa bị ảnh hưởng của độ cao, vừa bị ảnh hưởng của các dãy núi lớn Cư Yang Sin nên khí hậu Krông Bông có hai mùa mưa nắng rõ rệt với những đặc trưng chính sau:
- Nắng nhiều: trung bình 180 giờ/tháng. Năng lượng bức xạ tổng cộng lớn: trung bình từ 150 - 160 kcal/cm2 năm. Nhiệt độ cao và ôn hòa: nhiệt độ trung bình năm từ 23,7 - 27,30C. Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 12 và tháng 1, nhiệt độ có thể xuống đến khoảng 17,3 - 20,10C. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ trung bình có thể lên đến 28 - 300C. Bên cạnh đó, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn (mùa khô biên độ nhiệt trên 100C). Nắng nhiều, bức xạ dồi dào nhiệt độ cao và hầu như không có bão là những thuận lợi rất cơ bản cho Krông Bông trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp như cà phê, thuốc lá, bông vải….
- Lượng mưa: Có hai tiểu vùng mưa: vùng phía Đông bao gồm xã Hòa Phong và 3 xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao, có mùa mưa kéo dài và kết thúc cũng muộn hơn. Lượng mưa nhiều hơn so với các xã phía Tây và phía Bắc của huyện. Nhìn chung, trên toàn huyện có lượng mưa lớn (trung bình từ 1.800 - 2.200 mm/năm), mùa mưa dài: Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12, khá thuận lợi với các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, vào những năm hoặc những tiểu vùng mùa mưa kết thúc muộn thì ảnh hưởng nặng đến chất lượng thụ phấn của một số loại cây trồng (điều).
- Do mưa rất lớn vào thời kỳ tháng 9 đến tháng 11 (từ 400 - 500 mm/tháng), trong khi hạ lưu các con sông nhỏ hẹp, thoát nước chậm, nên lượng nước đổ về một mặt gây xói mòn và rửa trôi đất ở vùng đồi núi thượng nguồn, mặt khác làm mực nước sông dâng nhanh và tràn vào đồng ruộng, gây tình trạng ngập lũ cục bộ ở các khu vực trũng và ven sông.
- Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với lượng mưa chỉ chiếm khoảng 5 -10% tổng lượng mưa năm. Tuy chỉ kéo dài 4 tháng nhưng lượng mưa ít cũng đủ gây tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về các cân ẩm, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng - phát triển của cây trồng, vật nuôi. Việc xây dựng các công trình thủy lợi để cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.